‘‘Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo bé ( 3-4 tuổi) biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè góp phần hình thành nhân cách trẻ”

Đăng lúc: 11:25:38 27/03/2020 (GMT+7)

 1.  Mở đầu:

- Lý do chọn đề tài:

Như chúng ta đã biết: ‘‘Trong cuộc sống không có món quà tinh thần nào quí giá bằng sự khoan dung, sự quan tâm đáp đền ai đó bằng cách tặng một điều gì từ chính bản thân mình. Nếu biết quên mình ai cũng có cơ hội để sống vì người khác”.

Trong xã hội công nghiệp hoá hiện đại hoá hiện nay, cùng với nhịp đập hối hả của cuộc sống, dường như con người cũng bận rộn hơn, gấp gáp hơn. Trong sự bận rộn và gấp gáp ấy, đôi khi vô tình chúng ta bỏ lại phía sau sự yêu thương, chia sẻ của mình đối với những người khác trong gia đình, xã hội. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần hiểu rằng cho dù ở thời đại nào thì chia sẻ và quan tâm vẫn là điều cần thiết để giúp con người vượt qua nỗi đau của cuộc sống là sợi dây nhân ái  gắn bó người với người, nhà với nhà và quan trọng hơn là nó gắn kết toàn xã hội . Quan tâm chia sẻ là những thái độ và hành động thể hiện sự ân cần, thiện chí và giúp đỡ đối với người khác.

Sự quan tâm, chia sẻ có thể được biểu hiện chỉ bằng những cử chỉ, thái độ rất đơn giản và gần gũi trong cuộc sống, song lại giúp chúng ta phát hiện được nhiều điều đáng quí của người khác để trân trọng và học tập.

 Trẻ em cũng vậy, khi mới chào đời,  được sinh ra và lớn lên ở thế giới này với tâm hồn ngây thơ, trong trắng của những thiên thần. Nhưng trong thực tế, với sự phát triển của công nghệ hiện đại, chủ nghĩa vật chất vô tình có thể biến những tâm hồn ngây thơ, non nớt của các bé thành những người ích kỷ chỉ biết đến mình. Vì vậy sự quan tâm chia sẻ, biết  đến mọi người xung quanh được khắc sâu vào tâm trí trẻ ngay từ khi còn nhỏ giúp trẻ trở thành những người có ích cho xã hội. Mặt khác, nhân cách của con người được đánh giá qua cách ứng xử của cá nhân đối với người xung quanh, vì vậy dạy trẻ biết yêu thương, biết quan tâm chia sẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ là nền tảng vững chắc để các bé trở thành những người có nhân cách tốt, những chủ nhân tài đức của một xã hội công bằng văn minh và hiện đại.

Từ kinh nghiệm thực tế trong công tác chăm sóc giảng dạy cho thấy trẻ Mẫu giáo nói chung và trẻ mẫu giáo bé (3-4 tuổi) nói riêng trong giao tiếp hàng ngày các cháu đã biết chia sẻ nhưng không phải lúc nào chúng cũng thể hiện sự cảm thông và nhường nhịn, trong lớp học của tôi hiện tượng các bé  tranh giành đồ chơi, không biết nhường nhịn bạn vẫn thường xuyên xảy ra, cho dù cô giáo luôn nhắc nhở và giáo dục trẻ. Nhưng nhiều bậc phụ huynh cũng phải than phiền vì bé nhà mình không chịu lắng nghe, ích kỉ, lúc nào cũng bắt mọi người phải làm theo ý mình.

Vậy làm thế nào để có thể định hướng và giáo dục trẻ biết yêu thương, đoàn kết, quan tâm, chia sẻ với bạn bè và người thân? Là một giáo viên nhiều năm chủ nhiệm lớp mẫu giáo bé (3-4 tuổi) tôi luôn trăn trở về vấn đề này và tôi đã tự tìm ra các biện pháp vận dụng hợp lý vào trong các hoạt động  để giúp trẻ trong lớp tôi có cơ hội được thể hiện sự quan tâm, chia sẻ tới cô giáo, bạn bè và mọi người xung quanh. Vì vậy tôi đã quyết định chọn đề tài : ‘‘Một số biện pháp dạy trẻ mẫu giáo bé ( 3-4 tuổi) biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè góp phần hình thành  nhân cách  trẻ” làm đề tài nghiên cứu của mình.

- Mục đích nghiên cứu

- Nhằm giúp trẻ có kinh nghiệm trong cuộc sống, biết được những điều nên làm và không nên làm.

- Dạy trẻ biết hợp tác, quan tâm chia sẻ với bạn bè và những người xung quanh.

- Giúp trẻ học cách có được những mối liên hệ mật thiết với các bạn khác trong lớp, biết chia sẻ , biết lắng nghe, trình bày và diễn đạt được mong muốn của mình với bạn bè và những người xung quanh.

-  Đối tượng nghiên cứu

                   + Đối tượng trẻ Mẫu giáo bé ( 3-4 tuổi)

- Phương Pháp nghiên cứu

                    + Phương pháp hướng dẫn đàm thoại

                    + Phương háp trực quan

                    +  Phương pháp đánh giá kết quả sản phẩm

                   +  Phương pháp ghi nhớ tái tạo

2. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm:

2.1.Cơ sở lý luận của sáng kiến kinh nghiệm.

Nhà nghiên cứu Maria Montessori  đã từng nói:  ‘‘Trong mỗi đứa trẻ đều có những tài năng tiềm ẩn. Sự chuẩn bị kỹ càng từ lúc đầu đời chính là chìa khóa thành công cho tương lai mỗi cháu”.

  Thật vậy, bậc học Mầm non là khởi đầu của mọi sự khởi đầu, việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ từ lứa tuổi Mầm non chính là cơ sở giúp trẻ phát triển toàn diện về Đức- Trí - Thể - Mỹ và Lao động , là nền tảng cho quá trình học tập suốt đời của trẻ. Bởi hầu hết các trẻ ở lứa tuổi Mầm non đều biết các hoạt động đơn giản như: Nhặt rác, chào hỏi người lớn, xin lỗi, cảm ơn, biết quan tâm đến người thân và bạn bè... Nhưng để hình ảnh đó trở thành kỹ năng thì lại cần một quá trình. Hoạt động của trẻ trở thành kỹ năng khi: ‘‘Trẻ thấy một cọng rác trẻ nhặt bỏ vào thùng hay có đồ chơi đẹp biết chia sẻ cho bạn cùng chơi” mà không cần người lớn nhắc nhở....Trẻ làm tất cả những điều đó vì ý thức chứ không vì người khác sai bảo. Khi đó kỹ năng sống của trẻ đã được hình thành và phát triển, những kỹ năng đó sẽ

theo trẻ đến suốt cuộc đời.

Ở lứa tuổi Mầm non, tình cảm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nhân cách và chi phối mạnh mẽ đời sống của trẻ. Trẻ luôn có nhu cầu đòi hỏi mọi người biểu hiện tình cảm với trẻ và trẻ cũng muốn biểu hiện tình cảm với người khác.

Có thể nói mỗi một đứa trẻ ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của riêng mình. Bất kể là cô giáo hay bố mẹ đều không có  đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng, vì vậy việc áp dụng các biện pháp giáo dục phù hợp với mục tiêu giảng dạy đòi hỏi phải có sự linh hoạt